Trang chủ » 2014 » Tháng 8 » 7 » Đất võ Tây Sơn tinh hoa hội tụ
10:02:28 AM
Đất võ Tây Sơn tinh hoa hội tụ

Phố biển Quy Nhơn và các vùng đất võ Tây Sơn - Bình Định những ngày này đông vui như hội, với 85 đoàn võ thuật trong và ngoài nước tham dự Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V.

Đặc biệt, trong dịp này, võ cổ truyền Bình Định được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Liên hoan võ về trúng mùa gặt, song ai cũng lo thu xếp công việc để không bỏ qua một hoạt động nào của ngày hội lớn.

Làm lễ dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: H. Văn

Đêm khai mạc 1/8, dù được truyền hình trực tiếp xong quảng trường đường Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh (TP Quy Nhơn) vẫn đông nghịt. Khán đài hàng nghìn chỗ không còn chỗ trống, có người cắp chiếu hay mang theo ghế, thậm chí ngồi bệt xuống đất ở vòng ngoài.

Sáng sớm hôm qua 2/8, dòng người kéo về các võ đường Phi Long Vịnh, chùa Long Phước (Tuy Phước), Lý Xuân Hủy, Lê Xuân Cảnh (TX An Nhơn), Phan Thọ, Hồ Sừng (Tây Sơn)…

Đây là những lò đào tạo ra các võ sư, võ sỹ lựng danh trong nước, quốc tế. Theo lịch, các đoàn võ thuật sẽ giao lưu tại võ đường chùa Long Phước từ 11 giờ, nhưng sáng sớm cổng chùa đã đông người. Già có, trẻ có. Ai cũng háo hức, đâu cũng nói chuyện võ làng mình. 

Bà Nguyễn Thị Cúc (80 tuổi) đội nón ngồi chờ từ sớm. Bà nói cả năm có mấy ngày nên tranh thủ ra xem. Bà Cúc là mẹ của võ sư Trần Duy Linh, một trong những võ sư trẻ tài năng của đất Bình Định. Bà nói ở vùng quê này đứa con nít nào cũng mê võ. Có đứa học thầy, đức học lỏm cũng phải biết được vài chiêu.

Con trai bà - võ sư Trần Duy Linh mê võ từ hồi 6 tuổi. Anh được thầy Nguyễn Đông Hải nhận làm đệ tử. Cái cách đam mê võ của Trần Duy Linh cũng khiến nhiều người ngưỡng phục, anh không những là một trong những võ sư trẻ với hàm võ sư tột cấp, đạt nhiều thành tích và quảng bá võ cổ truyền Bình Định lan tỏa trong nước và quốc tế. Hơn thế, anh còn mà còn nghiên cứu, sưu tâm các bài võ một cách bài bản hòng lưu truyền sau này. 

Phải tới hơn 12 giờ trưa, chương trình Giao lưu võ đường chùa Long Phước mới được bắt đầu. 26 đoàn trong đó có 15 đoàn quốc tế tham gia biểu diễn. Từ người già tới con nít tranh thủ chọn cho mình một chỗ để xem.

Những đường võ điệu nghệ, uyển chuyển của các võ sỹ khiến các tràng pháo tay và trầm trồ không ngớt. Đó là những điệu long quyền, biệt quân quyền và song đấu của đoàn võ thuật Ba Lan. Hay màn múa kiếm, múa quạt đều gợi sự trầm trồ phía khán giả.

Đặc biệt sự xuất hiện của đoàn võ thuật Nhật Bản - đoàn được UBND tỉnh Bình Định mời về tham dự liên hoan gây ấn tượng mạnh với những màn biểu diễn của các võ sư lục đẳng, thất đẳng của các môn karatedo, kendo…

Võ sỹ Nhật

Hòa thượng Thích Hạnh Hòa, trụ trì chùa Long Phước, cũng là người sáng lập CLB võ cổ truyền chùa Long Phước chia sẻ: Từ lâu võ cổ truyền đã là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. CLB võ cổ truyền chùa Long Phước được thành lập cách đây 40 năm, đào tạo hàng nghìn môn sinh, nhiều người trở thành võ sư, vận động viên.

Di sản Việt Nam lan tỏa quốc tế

Đến dự liên hoan lần này, có 55 đoàn võ thuật quốc tế. Cơ hội giao lưu, quảng bá và khẳng định võ thuật Việt trên thế giới ngày càng mở ra. Theo võ sư Olivier Barbey, Chưởng môn Sơn Long Quyền thuật (Pháp), thì võ Việt Nam được yêu thích hơn hết bởi nó dạy cho người ta nghị lực và đạo đức.

Tại Thụy Sỹ và một số nước châu Âu, người ta đã đưa võ vào dạy học trong các trường đại học. Học sinh, sinh viên đánh giá rất cao, quan trọng nhất là vấn đề đạo đức - ông nói.

Sơn Long Quyền do cố võ sư Nguyễn Đức Mộc (1913 - 2009) thành lập tại Pháp năm 1945. Hiện môn phái này có khoảng 10 nghìn võ sư, võ sinh ở các nước Pháp, Thụy Sỹ, Áo, Algeria… do võ sư Olivier Barbey làm Chưởng môn. 

Võ sỹ nhí

Bình Định Sa Long Cương vốn có nguồn gốc từ Bình Định được truyền bá qua các nước Pháp, Ý, Canada… sau năm 1975. Hiện môn phái đang có khoảng 3 nghìn võ sư, võ sinh.

Theo anh Đỗ Lê Thanh Toàn- Liên đoàn quốc tế Bình Định Sa Long Cương: Hiện môn phái có 10 chi nhánh tại Pháp, do các HLV võ sư người Việt và các nước dạy. Phái võ bên Pháp từ năm 1980 đến nay có khoảng 3 ngàn môn sinh. Một số chương trình dạy, dạy ở nhà thi đấu, sân vận động trong các trường học tại Ý, Pháp, Mỹ, Canada…

Đã có không ít những võ sư người Việt nổi tiếng và có công lan truyền võ Việt với thế giới như cố võ sư Lê Văn Vân là người đưa võ Việt qua Ý và khối châu Âu, võ sư Lương Trọng Mỹ, võ sư Trần Phú Hữu… 

“Võ cổ truyền Việt Nam có lối đánh mềm mại, uyển chuyển, dùng nhu chí cương, dùng lực đối địch chứ không phải dùng sức hai bên. Hấp dẫn hơn với yếu tố sáng tạo, uyển chuyển. Người Việt Nam không to khỏe như người phương Tây, nhưng mình có nghị lực.

Võ cổ truyền Việt Nam dạy cho người học nghị lực tinh thần, kỷ luật, truyền thống tôn sư trọng đạo do đó ngày càng có sức hấp dẫn với bạn bè thế giới” - anh Toàn chia sẻ.

Đặc biệt sự xuất hiện của đoàn võ thuật Nhật Bản - đoàn được UBND tỉnh Bình Định mời về tham dự liên hoan gây ấn tượng mạnh.


Hoài Văn

Category: Võ học Việt Nam | Views: 812 | Added by: admin | Tags: Đất võ Tây Sơn tinh hoa hội tụ | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
omForm">
avatar