Trang chủ » 2014 » Tháng 7 » 23 » Huyền thoại về võ sư Trần Hưng Quang: “Chúng tôi đều gọi thầy là ba”
12:14:37 PM
Huyền thoại về võ sư Trần Hưng Quang: “Chúng tôi đều gọi thầy là ba”
Võ sư cao cấp Trần Hưng Quang là Trưởng môn phái Bình Định Gia lẫy lừng đất Bắc. Ông là người luyện thành công nhiều tuyệt chiêu của dòng võ Tây Sơn Nguyễn Huệ...

Với sự dẫn dắt của ông, môn phái Bình Định Gia đã 28/29 lần đoạt ngôi Vương trong các Giải thi đấu và biểu diễn võ thuật cổ truyền Hà Nội mở rộng. Sinh thời ông được mọi người trong môn phái gọi là “ba” đầy kính trọng. Do tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời bởi một tai nạn ngay gần nhà, hưởng thọ 88 tuổi…
Võ sư Trần Hưng Quang trả lời VTV khi Bình Định Gia vô địch lần thứ 29 - Ảnh: M. Tuấn

Từ kỳ tài võ học…

Võ sư cao cấp Trần Hưng Quang quê gốc ở huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định. Ông là người duy nhất đưa võ cổ truyền Bình Định Bắc tiến thành công. Theo gia phả, cách đây trên 200 năm, cụ Trần Đại Chí người Trung Quốc, được gia đình gửi vào chùa Thiếu Lâm học võ từ nhỏ. Hơn chục năm trời theo thầy miệt mài với thập bát ban thành thạo, cụ Chí trở thành một võ tướng, có võ công đệ nhất Trung Hoa. Cụ rất mong đem chút tài mọn phụng giúp quốc gia nhưng do bất mãn với nhà Thanh nên cụ Chí đã đưa cả gia quyến xuôi về phương Nam, đến Bình Định. Tại đây, duyên kỳ ngộ, cụ Chí đã kết bạn với võ tướng Võ Văn Dũng, một trong những tướng tài, cực kỳ tinh thông thập bát ban võ nghệ của vua Quang Trung.

Hai võ tướng như rồng gặp mây, suốt ngày bàn luận, luyện tập võ học tinh hoa. Hai người đã trao đổi cho nhau tất cả những bí kíp võ công mà cả đời tầm sư học được. Qua cụ Dũng, cụ Chí đã lĩnh hội được toàn bộ võ công chân truyền của Bình Định, đồng thời, nhờ cụ Chí mà cụ Dũng đã thông tuệ võ học Trung Hoa. Sau khi cụ Võ Văn Dũng qua đời, cụ Trần Đại Chí đã nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp những tinh hoa của hai nền võ thuật Trung Hoa và Việt Nam, sáng lập môn phái Bình Định Gia theo nguyên tắc kết hợp giữa cương, nhu, trường, đoản, hư, thực… rất mạnh về tính chất chiến đấu, không nặng về biểu diễn khoa trương.

Môn phái Bình Định Gia chỉ thực sự lớn mạnh và được các cao thủ đất Bắc biết đến khi võ sư cao cấp Trần Hưng Quang nhận chức trưởng môn đời thứ 5. Nhiều võ sư Bình Định nhận xét, võ sư Quang là kỳ tài võ học. Từ khi mới lên 10, võ sư Quang đã được cha mình truyền thụ võ nghệ. Đến năm 13 tuổi, với tư chất lanh lẹ, tinh túy của phái võ gia truyền đã được ông cơ bản lĩnh hội. Tiếng tăm về cậu bé anh hùng ở Phú Cát Trần Hưng Quang ngày một vang xa… Năm 14 tuổi, biết đã hết “vốn” để dạy cho đứa con khiếu võ, cha ông bắt đầu hành trình tìm thầy để mở rộng khả năng cho con mình. Gần chục năm ròng, hễ thầy nào có tiếng ở Bình Định là cha ông đều dắt ông tới học. Chỉ một vài năm, thậm chí vài tháng ông lại lên đường đi tìm thầy mới. Hiện giờ, một trong những giai thoại tầm sư học đạo của ông vẫn được người Bình Định truyền tai nhau.

Ngày ấy, thầy Hà Trọng Sơn ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước có môn song kiếm thuộc loại tuyệt kỹ, mỗi khi đường kiếm vung lên thì chẳng khác nào phượng múa rồng bay. Nhu cương hài hòa, mềm mại nhưng sự lợi hại thì kinh hồn bạt vía. Độc chiêu ấy, dù đệ tử rất đông, nhưng không ai lĩnh hội vẹn toàn. Theo cha, ông đến và thật ngạc nhiên, chỉ sau ít bữa “ăn nhờ ở đậu”, ông đã “nuốt chửng” bí kíp này. Thậm chí, trong đường kiếm ông đi, có nét nhàn nhã, thảnh thơi chẳng khác gì diều bay giữa trời quang đãng.

Tuy tạng người nhỏ bé, nhưng võ sư Quang vẫn mải mê đi đánh võ đài. Lần thượng đài nào ông cũng giành cho mình phần thắng. Đến giờ, người mê võ ở Bình Định hẳn chưa thể nào quên những trận thư hùng kinh điển giữa ông và nhiều võ sĩ nổi tiếng tại đây. Không chỉ giỏi về quyền cước, võ sư Quang còn nổi tiếng với những cú đánh bằng cùi chỏ và đầu. Nhiều người yêu võ kể lại, những cú đánh bằng cùi chỏ và đầu của ông đều nhanh như chớp và mạnh như cối đá bay nên rất ít đối thủ nào chịu hết hiệp thứ hai… Môn phái Bình Định Gia vốn chỉ được truyền cho người trong gia tộc. Năm 1982, được sự đồng ý của các trưởng lão trong gia tộc, võ sư Trần Hưng Quang đã bắt đầu truyền thụ võ công cho các đệ tử bên ngoài. Cái nôi đào tạo võ sinh đầu tiên của Bình Định Gia là trường Việt Nam – An-giê-ri tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Những ai đã từng tham gia tập luyện ở đây đều không thể quên Võ sư Trần Hưng Quang và con trai ông là cố võ sư Trần Hưng Hiệp – một ngôi sao võ học yểu mệnh khi tuổi còn rất trẻ…

Đến thành công rực rỡ

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, bất cứ cao thủ luyện võ nào ở ngoài Bắc đều biết đến cái tên Bình Định Gia. Chỉ trong khoảng thời gian 5 năm, dưới sự chỉ đạo của võ sư trưởng môn Trần Hưng Quang, chấp trưởng môn Trần Hưng Hiệp đã phát triển môn phái Bình Định Gia “phủ sóng” hầu hết các tỉnh phía Bắc. Đến năm 1995, số lượng môn sinh của môn phái đã lên tới hàng vạn người. Ngoài sự lớn mạnh về số lượng, Bình Định Gia còn là tượng đài bất khả chiến bại. Đây cũng là nơi nuôi hoài bão lớn cho nhiều thế hệ võ sư tên tuổi như: Trung, Lạc, Thành, Toàn, Dũng, Phương, Tuấn…

Vào những năm 90, phong trào học võ ở Hà Nội lên cực mạnh, đây cũng là thời điểm xuất hiện một số cao thủ chuyên đi “phá lò” bằng cách tìm đến những võ đường có tên tuổi để thách đấu. Không ít võ sư tên tuổi, võ đường đã thân bại, danh liệt dưới tay của những sát thủ thách đấu bí mật về danh tính. Võ đường Bình Định Gia ngày ấy cũng trải qua hàng chục cuộc thách đấu nhưng không có đối thủ nào bước ra khỏi cổng võ đường mà không sứt đầu, mẻ trán…

Dù đã 20 năm, tôi vẫn không thể quên trận đấu với những cao thủ của phái Thất Sơn Thần Quyền. Trước khi đến để “làm cỏ Bình Định Gia” như tuyên bố, những cao thủ này đã phá một loạt võ đường ở quận Thanh Xuân và Đống Đa. Trước giờ quyết đấu, võ sư Trần Hưng Quang gọi chúng tôi đến căn dặn: “Đòn của họ mạnh khủng khiếp, các con chớ có giao đòn, hãy sử dụng thân pháp để tránh và tấn công vào những điểm yếu của họ như gáy, ức, bộ hạ và các khớp…”. Quả nhiên, nhờ cách đánh “né điểm mạnh, tấn công điểm yếu”, 5 võ sĩ của Bình Định Gia nhỏ bé đã đánh tan nát 5 cao thủ to con của môn phái võ đầy màu sắc thần bí Thất Sơn Thần Quyền.

Năm 1996, võ sư Trần Hưng Hiệp qua đời trong một tai nạn giao thông, đúng vào lúc môn phái Bình Định Gia đang phát triển rộng lớn nhất. Nuốt nước mắt vào trong, võ sư Trần Hưng Quang động viên đội ngũ võ sư, HLV, võ sĩ, võ sinh trong môn phái vượt qua nỗi đau để tiếp tục phát triển. Đến nay, môn phái Bình Định Gia vẫn chiếm ngôi vị số 1 trong làng võ cổ truyền phía Bắc. Minh chứng cụ thể là việc Bình Định Gia đã vô địch 28/29 lần tham dự Giải thi đấu và biểu diễn võ thuật cổ truyền Hà Nội mở rộng. Ở mục thi đấu đối kháng, Bình Định Gia gần như không có đối thủ… Trải qua nhiều năm phát triển rực rỡ, Bình Định Gia là cái nôi cung cấp võ sĩ cho các đội tuyển quốc gia và không ít người đã làm rạng danh Tổ quốc.

Những năm gần đây, khi đã ở tuổi gần 90, trí tuệ võ sư Trần Hưng Quang vẫn rất minh mẫn. Ngoài việc chơi cờ tướng để rèn luyện trí não, võ sư Quang vẫn thường xuyên truyền thụ các kiến thức võ học cho đội ngũ võ sư, HLV của môn phái đang tham gia giảng dạy tại hàng trăm võ đường trong toàn quốc. Khác với nhiều võ sư khác, dù ở tuổi đã “rất hiếm” nhưng cứ bàn đến võ thuật là ông chợt như mãnh hổ vừa tỉnh giấc, có thể xuất chưởng cực kỳ mau lẹ và chính xác. Đây chính là nhờ tinh thần “võ đạo vị nhân sinh, võ công khai trí đạo” mà ông đã theo đuổi và rèn luyện trong hơn nửa thế kỷ qua…

Võ sư quyền trưởng môn Nguyễn Minh Thu cho biết: “Ba tôi rất minh mẫn nhưng cụ thỉnh thoảng vẫn bị nhầm thời gian giữa đêm và ngày. Nhiều khi mới 2g, ba tôi đã yêu cầu mở cửa để đi ăn sáng. Có lẽ chính sự nhầm lẫn này đã khiến ba tôi ra đi mãi mãi vào sáng sớm ngày 17-7”.

Theo anh Long, con trai võ sư Trần Hưng Quang, khoảng 3g sáng ngày 17 ông ra khỏi nhà. Đến trưa cùng ngày không thấy ông về mọi người mới đi tìm và báo tin cho các đại đệ tử. Hàng trăm đệ tử của môn phái Bình Định Gia đã tham gia tìm kiếm võ sư Quang trong gần 3 ngày nhưng không có kết quả. Khoảng 17g ngày 20-7, mọi người phát hiện thi thể của võ sư Trần Hưng Quang tại đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Võ sư Nguyễn Xuân Hải, Phó GĐ nhà thi đấu Bộ Công an, một trong các đại đệ tử của môn phái Bình Định Gia nghẹn ngào: “Đây là một mất mát vô cùng lớn đối với chúng tôi. Dù ba tôi đã ra đi nhưng trong tim các thế hệ học trò của Bình Định Gia sẽ không bao giờ quên tinh thần “võ đạo vị nhân sinh, võ công khai trí tuệ” mà ba chúng tôi đã truyền dạy”.
 
M.Tuấn
Category: Võ học Việt Nam | Views: 655 | Added by: admin | Tags: huyen thoai ve vo su tran quang hun | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
omForm">
avatar