Trang chủ » 2014 » Tháng 8 » 5 » Về miền "đất võ - xứ thơ"
5:01:53 AM
Về miền "đất võ - xứ thơ"

Bình Ðịnh cuối hạ, những cơn mưa rào vội vã không làm giảm được sự sôi động của Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ năm. Hàng trăm võ sinh, võ sư trong nước và ngoài nước đã hội tụ về đây thi tài, giới thiệu các giá trị của di sản võ thuật dân tộc. Bên cạnh sự hào hùng, cương cường và khí phách, miền đất võ còn lôi cuốn những bước chân du khách bởi chất thơ, trữ tình.


Biểu diễn võ cổ truyền tại Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn (Bình Định). Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Vương vấn hồn thơ

Người con bao năm xa quê hương Nguyễn Phạm Kiên Trung nay đã trở lại sinh sống và lập nghiệp trên mảnh đất này, tự hào kể với chúng tôi: "Vẻ đẹp của Bình Ðịnh kỳ lạ lắm. Các bạn sẽ không chỉ ngây ngất trong thứ tình thượng võ, chất thơ đầy men rượu, mà còn chìm đắm trong sự tĩnh lặng của cảnh vật, của tích sử nghìn đời và còn cả sự hào phóng của con người nơi đây". Gia đình người đàn ông đã bước vào độ tuổi trung niên này tập kết ra bắc trong thời kỳ đất nước bị chia cắt để rồi đến tuổi trưởng thành, bôn ba khắp nơi với nghề hướng dẫn viên du lịch, ông quyết định trở lại Bình Ðịnh khi nhận thấy những tiềm năng lớn của vùng đất "đang ngủ quên". Ông Trung giờ là giám đốc một công ty lữ hành nổi tiếng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Ðịnh và đang tiếp tục nuôi giấc mơ quảng bá rộng hơn nữa quê hương "đất võ - xứ thơ".

Thật vậy, vẻ đẹp của miền đất ven biển Nam Trung Bộ này không dễ gì có được. Nơi đây có sóng vỗ dạt dào, những bãi cát dài thơ mộng. Người Bình Ðịnh vốn tự hào với những tháp Chàm cổ kính, tự hào là nơi hòa quyện giữa đồng bằng, đồi núi, sông suối và biển cả. Vì thế, khí hậu có cả sự trong lành của biển, của rừng nhưng không thể thiếu đi cái nắng, cái gió miên man của miền nhiệt đới hội tụ tạo nên những danh lam thắng cảnh tuyệt vời: Ghềnh Ráng, Ðầm Thị Nại - Bán đảo Phương Mai, bãi biển Quy Hòa, Ðảo Yến, Hầm Hô... Chính những địa danh này đã là cái nôi của nhiều nhà văn hóa, nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn... và Hàn Mặc Tử, người cuối cùng trong nhóm "Bàn Thành Hữu" hay "Tứ Linh".

Ði qua danh thắng Ghềnh Ráng, trong không gian tĩnh lặng của khu mộ Hàn Mặc Tử, chúng tôi rảo bước qua cánh cổng sắt dẫn tới khu "trại phong" vốn đã đi vào thơ ca về chặng đường đời đau đớn vì bệnh tật hiểm nghèo của một thi nhân tài năng. Bệnh viện phong Quy Hòa giờ vẫn còn lại những dấu vết xưa dù sức tàn phá của thời gian đã lấy đi biết bao ký ức xa xôi. Ðể rồi, đi qua những con đường nhỏ xen lẫn gạch và cát, không khó để bước vào những xúc cảm buồn về một thung lũng ven biển từng chứng kiến Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng: "Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?/ Sao bông phượng nở trong màu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?" (Những giọt lệ). Hơn bảy mươi năm qua, sự tĩnh tại nơi đây như khiến người ta tưởng quên đi mảnh đất võ hào hùng từng làm nên một triều đại lịch sử vẻ vang của dân tộc, để chỉ còn lại vẻ đẹp nên thơ, duyên dáng đến vô cùng trong cả nỗi đau xen lẫn niềm hạnh phúc.

Chúng tôi tiếp tục đi qua những căn nhà nhỏ dựng ven đường. Người ta kể rằng, đó là nơi những bệnh nhân phong đã may mắn khỏi bệnh, vì quá yêu thung lũng Quy Hòa cho nên quyết tâm ở lại sinh cơ, lập nghiệp nhiều đời. Họ làm nhiều nghề, kể cả nghề chài lưới, buôn bán... Thậm chí có cậu thư sinh nọ đã trở thành bác sĩ trong chính bệnh viện để chữa cho bệnh nhân phong nơi này. Chợ nhỏ bên khu làng chài nói lên một cuộc sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Dù đối diện bên kia đường là những bệnh nhân vẫn còn phải gắn cuộc đời với những chiếc xe lăn. Ông cụ Ba Lành đã bịt trắng đầu gối không còn lành lặn, ngồi mải mê nhìn về phía biển với khuôn mặt khắc khổ. Vậy mà nhìn thấy chúng tôi, cụ nở nụ cười thân thiện. Chẳng biết đã bao lâu rồi, người đàn ông đó mới gặp được một khách vãng lai, mà vẫn thiết tha chờ đợi một điều gì đó. Như một món quà?!

Không gian của những đau đớn thể xác chợt trôi qua nhanh chóng trước khung cảnh cuộc sống sôi động với cảnh đùa vui của đám trẻ nhỏ trong khu dân cư nghèo giữa "trại phong". Ðôi vợ chồng sau ngày làm việc lam lũ, ngồi trước gió biển, nhổ tóc sâu cho nhau với những lời trìu mến về tương lai... Chợt nhận ra, người xứ này đâu chỉ mang nghĩa khí của một "Tây Sơn linh kiệt" mà còn có trong đó tình người, chất trữ tình, lãng mạn của những tâm hồn thơ sâu thẳm.

Hào hùng đất Võ

Nhiều người vẫn gọi Bình Ðịnh là xứ thơ và xứ võ với hệ thống di sản phong phú về võ. Mảnh đất núi non hùng vĩ, từng ghi dấu chiến công hiển hách của vị Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ cuối thế kỷ 18 và của quân dân Bình Ðịnh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Có lẽ vì thế mà truyền thống thượng võ đã thấm sâu vào máu thịt của người dân và tạo nên một bản sắc rất riêng biệt với hình ảnh độc đáo ít nơi đâu có "con gái Bình Ðịnh múa roi đi quyền".

Ở miền đất võ, cố đô của triều Tây Sơn, quê hương của ba anh em "Tam Kiệt": Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, không hề khó để tìm thấy những lò võ cổ truyền tồn tại lâu đời trong lòng cuộc sống người dân nơi đây. Dừng chân quán nước ven đường tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, chúng tôi được ông Trương Văn Ngữ, chủ nhà kể cho nghe những câu chuyện rất giản đơn nhưng đủ thấy đất võ đã nuôi dưỡng người dân nơi này ra sao. Ông Ngữ là em họ của võ sư Trương Văn Vịnh, chủ môn phái Phi Long Vịnh nổi tiếng cả một vùng: "Từ ngày bé, chúng tôi đã tình nguyện đi học võ như một bài học đầu đời quen thuộc. Có người giỏi giang thì theo nghiệp luyện võ, có người tư chất bình thường thì học đủ để phòng thân, rèn luyện sức khỏe". Ông kể: "Hồi trước, chỉ học võ 18 tháng vậy mà giờ gân cốt không hề bị bệnh tật gì, thậm chí vẫn còn vác cả chục cân lúa hằng ngày không sao". Con gái út của ông Ngữ bé xíu, mải mê lắng nghe cuộc chuyện trò khi được hỏi có muốn học võ hay không, đã trả lời ngay tắp lự là có mà không hề phải suy nghĩ.

Người Bình Ðịnh học võ không phải để khoe khoang, để đánh thắng kẻ khác mà quan trọng hơn cả là để tiếp nối, phát huy di sản võ vật quý báu mà cha ông để lại. Những võ đường nổi tiếng như Phan Thọ (Bình Nghi, Tây Sơn), Hồ Cương (Bình Thuận, Tây Sơn), Lý Xuân Hỷ (Ðập Ðá, An Nhơn)... ngày nay vẫn đang âm thầm duy trì "nền võ học" làm nên danh tiếng nhiều đời của mảnh đất cố đô. Và một nơi có sự giao thoa, đưa võ học Bình Ðịnh lan truyền ra xa thì có lẽ cần nhắc đến là võ đường chùa Long Phước (Phước Thuận, Tuy Phước). Võ sư, trưởng môn phái là Thượng tọa Thích Hạnh Hòa. Phái võ chùa Long Phước được xem là một trong những võ đường có nhiều nét bí truyền độc đáo với các bài roi tiêu biểu: Xích kiếm ô long tiên, Hoa tiên, Tây quy kinh môn tiên, Lăng tiên...; các bài thương như: Lang kinh kim thương, Thiết đinh kim thương, Hồng môn thương... Ðặc biệt hơn cả, người đam mê võ học đến đây đều được nhà chùa nuôi dạy không thu phí cho đến ngày thành tài, không kể đến từ đâu. Sư bác Hữu Lịch, từng là một cậu bé mê học võ, lưu lạc từ tận Hưng Yên đến cậy nhờ sư thầy chùa Long Phước tầm sư học đạo. Ông cho biết: "Hồi đó, tôi từng học võ nhiều năm tại Hà Nội. Nhưng rồi mong muốn tiếp thu tinh hoa võ thuật Bình Ðịnh nên đã lặn lội vào đây. Ðến lúc tiền mang theo hết sạch cũng là lúc tôi biết đến võ đường chùa Long Phước và thật may được Sư thầy cưu mang, dạy dỗ". Giờ đây, Sư bác Hữu Lịch đã trở thành huấn luyện viên võ thuật tại chùa. Nhờ duyên giác ngộ cửa Phật, hằng ngày vị sư thầy ngoài việc luyện và dạy võ còn đi học tại trường Trung cấp Phật học của tỉnh. Ước mơ của thầy Hữu Lịch là trong tương lai sẽ trụ trì một ngôi chùa khác để truyền thụ võ học chùa Long Phước ra xa hơn.

Truyền thống thượng võ với những Anh hùng áo vải Tây Sơn thao lược, từng tạo nên những chiến công vang dội trong lịch sử thì giờ đây, con cháu của họ đang đưa môn võ thuật trở thành một di sản văn hóa, một nét đẹp riêng. Những ngày này, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ năm đang sôi động nơi mảnh đất cố đô với những hoạt động đặc sắc của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại đây, không chỉ các lò võ truyền thống mà võ học, tinh hoa của thế giới sẽ cùng nhau hội tụ và tỏa sáng, thể hiện tinh thần thượng võ cũng như sự mến khách của người Bình Ðịnh nói riêng, người Việt Nam nói chung. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Ðịnh Nguyễn Văn Dũng cho biết: "Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam không chỉ là một giải đấu võ thuật cổ truyền mà còn là nơi hội tụ của các giá trị văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời giới thiệu với bạn bè năm châu về một Việt Nam tươi đẹp đang ngày càng đổi mới".

Có thể khẳng định, Bình Ðịnh ngày nay là một vùng đất văn hóa của những tinh hoa dân tộc có giá trị lịch sử vẻ vang. Không chỉ "đất võ trời thơ", nơi đây còn là quê hương của Hiệp biện Ðại Học sĩ Ðào Tấn, một trong ba vị tổ nghề sân khấu Việt Nam. Nơi đây đã chứng kiến sự tỏa sáng của Hát Bội, của nghệ thuật Bài Chòi, một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của vùng đất Nam Trung Bộ trong nghệ thuật dân gian dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ những dấu tích giao thoa về văn hóa hàng bao thế kỷ, tạo nên tính cách người Bình Ðịnh cương cường. Miền đất võ - xứ thơ ngày mỗi ngày thêm đổi mới, và những giá trị truyền thống đó sẽ luôn được trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Võ sinh chùa Long Phước tập luyện các thế võ cổ truyền.


Bài và ảnh: PHONG CHƯƠNG

Category: Võ học Việt Nam | Views: 807 | Added by: admin | Tags: Về miền đất võ - xứ thơ | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
omForm">
avatar